10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật nhất Việt Nam trong năm 2022
Ngày 26/12 tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2022.
Các lĩnh vực được bình chọn gồm: cơ chế chính sách; khoa học xã hội; khoa học tự nhiên; nghiên cứu ứng dụng; tôn vinh nhà khoa học.
Dưới đây là 10 sự kiện khoa học công nghệ Việt Nam nổi bật được được lựa chọn:
1. Ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
Ngày 11/05/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng với ngành khoa học và công nghệ mà còn với toàn thể hệ thống chính trị bởi vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong 10 năm tới là đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
2. Thủ tướng chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
3. Lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh Blockchain tổ chức tại Việt Nam, thu hút hàng nghìn đại biểu, diễn giả và các chuyên gia tên tuổi hàng đầu thế giới và Việt Nam (Kyber Network, Gala Games, Sky Mavis, DFG, FTX, Binance, BNB Chain…).
Theo Fortune Business Insights, thị trường blockchain toàn cầu được định giá 4,67 tỷ USD vào năm 2021, dự kiến sẽ đạt 7,18 tỷ USD năm 2022, và 163,83 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 56,3% trong giai đoạn này.
Việt Nam được xem là điểm sáng trên bản đồ thế giới với số lượng dự án blockchain lớn và trình độ nhân lực blockchain ở mức cao. Nhiều dự án do người Việt xây dựng trở thành biểu tượng và đang thu hút sự quan tâm, đầu tư lớn từ các tổ chức, cá nhân trên toàn cầu.
4. Samsung khánh thành Trung tâm R&D 200 triệu USD tại Hà Nội. Đây là trung tâm lớn nhất của Samsung tại khu vực Đông Nam Á.
Samsung đề ra kế hoạch phát triển Trung tâm R&D tại Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển số một toàn cầu thông qua việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các trường đại học trong các lĩnh vực công nghệ then chốt của tương lai như: nâng cao tính chuyên môn về nghiên cứu công nghệ cốt lõi của thiết bị di động (đa phương tiện, bảo mật); nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển đạt mức tự chủ trong các sản phẩm công nghệ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)/dữ liệu lớn (BigData)/Internet vạn vật (IoT)…
5. Làm chủ công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/cas9
Nhóm nghiên cứu Công nghệ tế bào thực vật tại Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết đã tiến hành nghiên cứu đầu tiên về chỉnh sửa gene eIF4E kháng virus PRSV trên cây đu đủ bằng công nghệ CRISPR/Cas9.
Kết quả nghiên cứu bước đầu về chỉnh sửa gene đu đủ vừa được công bố trên tạp chí Plant Cell Tissue and Organ Cultures (Nhà xuất bản Springer Nature).
Hiện tại, nhóm tiếp tục phát triển công nghệ CRISPR/Cas9 trong nâng cao tính chống chịu với bệnh do nấm phấn trắng trên đậu tương, dưa chuột; tăng cường tính chịu mặn hay thiếu hụt dinh dưỡng của cây lúa; nâng cao giá trị dinh dưỡng của quả cà chua…
6. Nghiên cứu, chế tạo thành công phòng sạch đạt cấp độ cao nhất thế giới
INTECH Group nghiên cứu và chế tạo thành công phòng sạch đạt cấp độ cao nhất thế giới theo tiêu chuẩn NEBB Hoa Kỳ. Phòng sạch (còn gọi là cleanroom) là không gian kín mà tại đó môi trường hạt bụi kích thước micromet sẽ được kiểm soát dưới ngưỡng cho phép.
Việc INTECH Group tạo ra được môi trường cấp độ sạch siêu cao góp phần khẳng định và nâng cao vị thế khoa học kỹ thuật Việt Nam trên thế giới.
7. Ra mắt dòng chip vi mạch ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật cho lĩnh vực y tế
Dòng Chip IC (IC – Integrated Circuit) ra mắt hồi tháng 9/2022 là dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế.
Theo kế hoạch sẽ đưa ra thị trường thêm 7 dòng chip khác nhau trong năm 2023, phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh.
Dòng chip này do FPT Semiconductor thiết kế sản xuất tấm wafer – vật liệu nền để sản chip vi mạch, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp, sản phẩm cụ thể. Trên nền wafer này FPT Semiconductor sản xuất ra các dòng chip vi mạch khác nhau.
8. Ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mây lớn nhất Việt Nam
Hệ sinh thái Viettel Cloud được ra mắt vào năm 2022 được đánh giá thuộc nhóm lớn nhất, hiện đại và an toàn nhất Việt Nam với quy mô 13 trung tâm dữ liệu trải rộng khắp 3 miền; hơn 9.000 rack; 60.000m2 mặt sàn.
9. Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ đợt 6
Tối 23/11 đã diễn ra lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ đợt 6.
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ là hai Giải thưởng cao quý nhất được Nhà nước ghi nhận, tôn vinh, trao tặng các nhà khoa học, tác giả, đồng tác giả của các công trình đặc biệt xuất sắc và có giá trị cao về khoa học công nghệ.
Giải thưởng lần này được trao cho 29 công trình nghiên cứu có giá trị cao và khả năng ứng dụng thực tiễn.
10. Trao Giải thưởng VinFuture năm 2022
Tối 20/12, lễ trao Giải thưởng VinFuture lần thứ 2 đã diễn ra tại nhà hát lớn Hà Nội. Năm nhà khoa học phát minh và phát triển công nghệ mạng toàn cầu là chủ nhân của Giải thưởng chính, trị giá 3 triệu USD của giải thưởng VinFuture năm 2022, vì những gì họ tạo ra đã làm thay đổi vĩnh viễn cách chúng ta sống, giao tiếp và làm việc./.